Chức tước Hoàng_tử

Trung Quốc

Từ thời Vũ vương nhà Chu, các Vương tử (thời gian đầu được gọi là [Trọng; 仲], [Thúc; 叔] hay [Quý; 季] - tức em trai [của vua])[chú 1] không được kế nghiệp vương vị thường được phong làm quốc quân của các nước chư hầu, tước công, hầu, hoặc . Một số ví dụ điển hình là Chu thúc Đán, Khang thúc Phong, Thành thúc Vũ, Nhiễm quý Tái thời Vũ vương, Đường thúc Ngu thời Thành vương, hay như Vương thúc Hổ thời Tương vương được phong hầu, lập hẳn một nước gọi là Vương Thúc. Các quốc quân chư hầu thời kỳ hậu–U vương có quyền lực rất lớn, như Trịnh Trang công (cháu nội của vương tử Hữu) lấn áp Chu thiên tử, từ đó mở ra thời kỳ Đông Chu Xuân Thu-Chiến Quốc.

Các Hoàng tử từ thời Tây Hán sẽ thường được phong Chư hầu Vương (諸侯王), họ sẽ được chia sẻ một số tiểu quốc xung quanh kinh thành, và có thực quyền cai quản vùng đất ấy như một chư hầu thời nhà Chu. Từ cuối Tây Hán và sang thời Đông Hán, tuy mang danh nghĩa là tiểu quốc, nhưng các tiểu quốc đều là 1 đến 4 quận nhỏ hợp thành, gọi là ["Quận quốc"]. Quyền lực của các Hoàng tử Vương theo các triều cũng dần thu hẹp như vậy, phong đất dần chỉ gói gọn ở quận hoặc huyện.

Sang đến thời nhà Đường, các Hoàng tử đều sẽ được xét phong làm Thân vương (親王). Dưới "Thân vương", có một danh vị thấp hơn là Quận vương (郡王), một tước vị mà nhà Đường dùng để phong cho con trai của các Hoàng thái tử hoặc công thần (như Quách Tử Nghi từng được phong Phần Dương quận vương). Sang thời nhà Minh, "Quận vương" dùng để phong cho các con trai của Thân vương, cuối cùng sang đến thời nhà Thanh thì Quận vương mới cùng với Thân vương trở thành tước vị cho các Hoàng tử là con trai trực hệ của Hoàng đế.

Thời nhà Thanh, cá biệt có thiết lập thêm hai tước vị là Bối lặc (貝勒) cùng Bối tử (貝子) từ âm tiếng Mãn, dùng để phong cho các Hoàng tử khi còn trẻ, dần về sau có công trạng lớn mới phong lên làm Thân vương hoặc Quận vương.

Quốc gia đồng văn

Trong lịch sử Việt Nam, từ thời nhà Đinh về sau áp dụng chế độ mô phỏng Trung Hoa, các Hoàng tử đa phần sẽ có tước "Vương", "Quận vương", những cười có danh vọng (đặc biệt là thời nhà Trần) thì thậm chí có tước vị Đại vương (大王). Thời nhà Hậu Lê, từ đời Lê Thánh Tông quy định rõ ràng thứ bậc tước vị, Hoàng tử đều là "Thân vương", lấy 1 chữ từ tên phủ (đất phong) làm hiệu, kế thừa Thân vương là ["Tự Thân vương"; 嗣親王] lấy tên hiệu 2 chữ. Thời nhà Nguyễn, các Hoàng tử chỉ được phong tước khi đủ 15 tuổi, tuy nhiên không được phong "Vương" ngay mà thường chỉ đến Thân công (親公), sau đó là Quốc công (國公) hoặc Quận công (郡公) xét theo học hạnh. Về sau, nếu vị Hoàng tử Công ấy có công trạng, như giúp rập triều chính thì mới dần phong lên "Quận vương" rồi cao nhất là "Thân vương", ví dụ có Thọ Xuân vương Miên Định cùng Tuy Lý vương Miên Trinh.

Tại Nhật Bản, các Hoàng tử do Hoàng hậu sinh ra được nhận phong hiệu ["Thân vương"], gọi là [Thân vương tuyên hạ; 親王宣下], chia từ Nhất phẩm cho đến Tứ phẩm; các Hoàng tử là cung phi sinh ra chỉ là ["Vương"], khi nhận tước hàm thì bọn họ đều có đất phong hay thậm chí là lính hộ vệ. Các Thân vương rất thường hay xuất gia, và bọn họ đều được gọi là [Nhập đạo Thân vương; 入道親王; にゅうどうしんのう], riêng những Thân vương được phong sau khi đã xuất gia thì sẽ được gọi là [Pháp Thân vương; 法親王; ほっしんのう]. Trong hoàng thất Nhật Bản, Hoàng tử có 2 tên gọi, chữ thứ 2 trong tên thường có chữ ["Nhân"; 仁], ngoài ra còn có ấu danh và cung hiệu. Ví dụ như Thu Tiểu cung Văn Nhân thân vương, trong đó "Thu Tiểu cung" là cung hiệu, "Văn Nhân" là tên chính thức, còn ấu danh của ông vốn là [Lễ Cung; 禮宮].

Còn tại Triều Tiên, các vị vua của nhà Triều Tiên đều xưng "Vương", do vậy các con trai được gọi là Vương tử, khi trưởng thành đều phong là Đại quân (大君; 대군daegun) đối với con trai do Vương phi sinh ra, còn phong Quân (君; 군gun) cho con trai của tần ngự sinh ra. Các con trai là "Đích trưởng tử", tức là người con đích xuất mà lại là con cả thông thường sẽ là người có khả năng kế vị nhất, và họ được gọi là [Nguyên tử; 元子]. Sang thời Đại Hàn đế quốc, vương tử trở thành hoàng tử, các vị hoàng tử Lý thị cũng được phong Vương, như con trai thứ 5 của Triều Tiên Cao Tông là Nghĩa Hòa quân Lý Câu (李堈), thụ phong [Nghĩa Thân vương; 義親王]; hay con trai thứ 7 là Lý Ngân cũng thụ phong [Anh Thân vương; 英親王].